KOTO – mô hình đào tạo của doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Việt Nam với thông điệp vừa thiết thực vừa giản đơn “Biết một – Dạy một”, được sáng lập từ tâm nguyện của cá nhân một Việt kiều. Mô hình này về sau nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm song KOTO không lạm dụng lòng tốt của cộng đồng, mà giáo dục cho học viên ý thức vươn lên, trở thành những người làm nghề chuyên nghiệp.
Đây là không khí giờ cơm trưa thường nhật tại Trung tâm Đào tạo (thuộc Doanh nghiệp xã hội KOTO). Hơn hai chục năm về trước, bà Hoàng Thị Hạnh – Giám đốc khối Đào tạo – cũng từng là một học viên của KOTO, cũng non nớt và bỡ ngỡ như những gương mặt trẻ măng hiện tại. Còn nhớ, năm 1999, ông Jimmy Phạm triển khai ý tưởng gây dựng công ăn việc làm cho trẻ lang thang cơ nhỡ bằng một cửa hàng bánh sandwich nhỏ, và bắt đầu dạy nghề cho 9 học viên đầu tiên. Trung bình mỗi khóa, KOTO đào tạo được khoảng 100 em, chuyên về nghiệp vụ nhà hàng khách sạn. Tất cả đều được chăm lo miễn phí, từ việc học hành đến sinh hoạt, ăn ở trong khóa học 2 năm. Thời gian ở nơi đây được ghi dấu bằng niềm tin và sự trưởng thành.
Bà HOÀNG THỊ HẠNH, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Doanh nghiệp xã hội KOTO:” Lý do mà mình đóng góp lâu dài với KOTO, thực ra là cái mà mình thấy được, đó là giá trị thực sự mà một tổ chức mang lại cho cộng đồng, với gần 2000 bạn nhỏ mà có những hoàn cảnh rất là đặc biệt, đã thay đổi cuộc sống và thành công.”
Em VĂN THIÊN TÀI, Học viên Khóa 39, Trung tâm Đào tạo KOTO: “Trước khi vô đây, bản thân em không có sự lắng nghe. Thay đổi đầu tiên của em khi bước chân vào đây là thay đổi về nhận thức. Tụi em biết được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mình. Tụi em hiểu được sự lắng nghe nó quan trọng như thế nào.”
Dù trong những giờ học hay khi đi thực tập và trải nghiệm, học viên của KOTO luôn an tâm là có một không gian sống tinh tươm đang đợi các em về. Một mái nhà an toàn, khang trang. Một chiếc giường ấm êm, sạch sẽ. Một bàn học cá nhân hay là cây đèn bàn nho nhỏ… Những chi tiết ấy dù giản đơn, song cũng là điều khác biệt, khi các em được đón nhận từ đường phố về đây. Không chỉ trang bị cho học viên một nghề nghiệp vững vàng, KOTO còn mang đến cho các em tâm thế tự tin. Đặc biệt, KOTO chú trọng đến sự chuyên nghiệp, để học viên sau khi ra nghề có thể thuyết phục khách hàng bằng năng lực thực sự, chứ không lạm dụng sự thương cảm của cộng đồng.
Du khách đến từ Cộng hòa Pháp: “Khi mới đến đây, chúng tôi chỉ nhận thấy rằng đây là một nơi có khung cảnh đẹp và chất lượng đồ ăn rất rất ngon, đặc biệt cung cách phục vụ rất là chuyên nghiệp. Sau này tôi mới biết, đằng sau đó là một quá trình đào tạo nhân văn và khá công phu. Nếu có dịp đến Việt Nam một lần nữa, chắc chắn là chúng tôi sẽ trở lại nơi này.”
Ông JIMMY PHẠM, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Doanh nghiệp xã hội KOTO: “Tôi thường xuyên được hỏi là tại sao một dự án cho trẻ học nghề mà cần đến 2 năm? Thì tôi nghĩ là thực sự nếu mình làm cái gì thì mình phải làm cho đến nơi đến chốn. Đây là một sự đầu tư. Đầu tư cho trẻ, cho cái tương lai, để cho em nó có ích cho xã hội. 2 năm để thay đổi, 2 năm để cảm nhận, và biết rằng có một gia đình đứng ở phía sau luôn ủng hộ mình.”
Những bạn trẻ hạnh phúc đón nhận tấm bằng tốt nghiệp hôm nay – đến một ngày không xa – sẽ trưởng thành chững chạc như bà Hoàng Thị Hạnh. Mỗi người sẽ tiếp tục quay lại đóng góp cho đại gia đình KOTO với tinh thần “Biết một – Dạy một”, “Know One Teach One”. Khi đã đủ cứng cáp và mạnh mẽ, các em sẽ tạo lập được tính chuyên nghiệp trong công việc, để có thể đứng vững trên đôi chân của chính mình, và sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi có thể. Điều đó là ước mong lớn nhất của người sáng lập doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Việt Nam, ông Jimmy Phạm.