Mặc dù được nhìn nhận là có khả năng học nghề nhanh, làm việc hiệu quả đến bất ngờ, song cánh cửa vào đời của những bạn trẻ khiếm thính vẫn còn khá hẹp. Tại sao?
Khi đang học năm thứ 2 trường ĐH Bách khoa TP.HCM, bạn Hoàng Sa (quê Bình Dương) bỗng bị điếc sau một cơn sốt nặng. Sau những lần tự tử bất thành, Sa đã gượng dậy… Tại hội thảo “Giải pháp cho lao động khiếm thính” do Chương trình Khuyết tật và Phát triển (DRD) thuộc trường ĐH Mở TP.HCM vừa tổ chức, cô gái xinh đẹp này đã kể lại hành trình tìm việc làm đầy gian nan của mình. Sa cho biết, những chủ doanh nghiệp thường từ chối khi biết người xin việc bị khiếm thính. Tại một công ty, khi Sa nói chuyện với “sếp” bằng cách viết ra giấy, vợ “sếp” tỏ ý… ghen vì nghĩ rằng hai bên đang tán tỉnh nhau! Kết quả là Sa phải mất việc làm. Tính đến nay, cô đã phải qua bốn chỗ làm trước khi được một công ty quảng cáo nhận vào… Trong khi đó, Tuấn – một công nhân khiếm thính đang làm việc trong một công ty Hàn Quốc cho biết, thời gian đầu bạn rất khó hòa nhập vì công ty chỉ có mình bạn thuộc “diện đặc biệt”. Tuy nhiên, nhờ chăm chỉ, cầu tiến, Tuấn đã trụ lại được. Mức lương của Tuấn cũng đã nâng từ 1 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng.
Cơ sở Dạy nghề Hy Vọng (P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM), Công ty cổ phần may in lụa Ngọc Phước (P.Thới An, Q.12)… thường xuyên dạy nghề miễn phí và tạo việc làm cho người khiếm thính, người khuyết tật.
Các doanh nghiệp và đơn vị tuyển dụng có mặt tại hội thảo đều khẳng định người lao động khiếm thính học nghề rất nhanh, làm việc hiệu quả. Hiển nhiên, hạn chế lớn nhất của các bạn này là khả năng giao tiếp. Bà Đỗ Ngọc Liên – Chủ cơ sở Dạy nghề Hy Vọng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: Tính đến nay, cơ sở đã dạy nghề cho 112 bạn khiếm thính, trong đó đã giới thiệu việc làm cho hơn 60 bạn. Bà Liên nói: “Do trình độ văn hóa hạn chế nên nhiều em khiếm thính không thể hiểu những từ trừu tượng. Ngữ pháp, cấu trúc câu giao tiếp của các em cũng phức tạp, hay bị ngược, ví dụ thay vì nói: Cô cho em nghỉ phép thì có em lại nói Em cho cô nghỉ phép, hoặc Em cô cho nghỉ phép…”. Ông Ninh Thái Phong – Giám đốc dự án thuộc Công ty Cổ phần May in lụa Ngọc Phước (Q.12, TP.HCM) cho biết công ty này hiện có 37 lao động khuyết tật, trong đó có 15 người khiếm thính. Ngoài tiền lương, tất cả những lao động này đều được ăn ở miễn phí. Ông Phong kể, lần đầu tiên nói chuyện với người khiếm thính, ông không thể hiểu gì. Vì vậy, ông đã tham gia những lớp dạy nói chuyện bằng… tay để trao đổi công việc với những lao động trên. “Giao tiếp với người khiếm thính phải ngắn gọn. Ngoài thủ ngữ, chúng tôi in sẵn những nội dung cần truyền đạt cho họ nắm bắt dễ dàng” – ông Phong chia sẻ kinh nghiệm. Ông cũng đề nghị các trung tâm tuyển dụng và DRD nên có những trang web phổ biến thông tin việc làm, giúp người khiếm thính và doanh nghiệp dễ dàng “gặp” nhau.
Ngoài hạn chế về giao tiếp, vài doanh nghiệp phản ánh một số lao động khiếm thính có tính kỷ luật kém (như đi trễ, nghỉ làm không xin phép…). Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến – Giám đốc DRD thừa nhận hạn chế này. Nguyên nhân vấn đề là từ phía gia đình. Nhiều phụ huynh muốn “đền bù” những sự thiệt thòi cho con em nên ít khi nào chú ý dạy con tính kỷ luật. Ông Thành – một thạc sĩ chuyên ngành xây dựng, người không may bị điếc sau một cơn bệnh gần đây góp ý rằng các câu lạc bộ người khiếm thính cần nhắc nhở, xây dựng ý thức kỷ luật cho những thành viên.

2 lao động khiếm thính: Thái Hoàng Quân và Nguyễn Năng Hưng đang vận hành máy in MHM-12 colours tại Công ty cổ phần may in lụa Ngọc Phước.
(Nguồn: Thanh Niên – Tác giả Như Lịch)