Càng làm ăn thành đạt, doanh nhân càng quan tâm hơn đến trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Ông Võ Ân Phước, Chủ tịch HĐQT và bà Nguyễn Thị Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May – In Ngọc Phước, là tấm gương điển hình.
“Ba mẹ ơi, xem giùm con cái áo này đường may đẹp chưa? Có cần phải sửa chỗ nào không?”, “Cuối tuần này, mẹ làm bánh đãi tụi con nha”… Đó là cách xưng hô thân mật mà những công nhân khuyết tật dành cho ông bà chủ Công ty Ngọc Phước (155 Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12 – TP.HCM). Có một điều đặc biệt khác với nhiều nhà máy, xí nghiệp, hầu hết mọi người ở đây luôn xem ông bà chủ như cha, mẹ ruột của mình.
Công ty là nhà
Số phận không may khiến chị Nguyễn Thị Môn, 26 tuổi, quê ở Thanh Hóa, không có đôi chân lành lặn. Vì nhà nghèo, chị phải vào TPHCM kiếm sống. Trong lúc tuyệt vọng, thông qua giới thiệu của Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM, chị Môn được Công ty Ngọc Phước tuyển vào làm việc với thu nhập 1 triệu đồng/tháng. Chị tâm sự: “Bốn năm nay, tôi xem công ty như nhà của mình, ông bà đối xử tốt lắm, chỉ bảo tận tình, lo cho nơi ăn chốn ở đàng hoàng”. Chị Lê Thị Huệ, 44 tuổi, quê ở Tiền Giang, trước cũng đi làm ở nhiều nơi, nhưng sau phải nghỉ do sức khỏe suy giảm, đôi chân yếu dần, không thể di chuyển bình thường. Nghỉ việc ở nhà, gia cảnh chị thêm thiếu trước hụt sau. Chị muốn kiếm việc gì đó phù hợp để làm, nhưng chẳng biết nơi nào nhận. Tình cờ xem chương trình “Những ước mơ xanh” biết Công ty Ngọc Phước có nhận người khuyết tật, chị nộp đơn và được ông bà Phước đón nhận. Nhờ được tận tình chỉ bảo, chị Huệ hiện được giao phụ trách bộ phận KCS chuyền may.
Ông Mã Hoàng Lê, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ, Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM, nhận xét: “Giúp cho người khuyết tật có việc làm và trân trọng thành quả lao động của họ là cách giúp người khuyết tật vượt qua mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng”.
Công nhân Võ Thị Tài, 20 tuổi, quê ở Gia Lai, hiện làm ở phân xưởng may, tự hào về ba mẹ nuôi của mình: “Ở đây, mọi người gắn bó với nhau như một gia đình là nhờ công lao của ba mẹ. Trong công việc, nếu chúng tôi lỡ làm sai, ba mẹ không bao giờ la mắng. Chính sự ân cần của ba mẹ đã khiến cho mọi người trong công ty dù xa nhà nhưng cảm thấy như sống trong chính gia đình mình”.
Thương người cùng hoàn cảnh
Yêu thương, gắn bó, hết lòng vì người khuyết tật là điểm đặc biệt của vợ chồng ông Võ Ân Phước. Với bà Ngọc, khi nhìn thấy những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, bà nhớ đến tuổi thơ của mình: “Tôi sinh ra vốn không may mắn, 4 tuổi mất mẹ, 5 tuổi mất cha. Những tưởng được sống bên nội nhưng không ngờ 10 tuổi, nội cũng bỏ tôi ra đi. Từ đó, một mình tôi bươn chải, rời Tây Ninh xuống Sài Gòn kiếm sống, quyết tâm vượt qua đói nghèo. Còn anh Phước sinh ra ở đất Quảng Nam bom cày, đạn xới từng thấm cảnh đói nghèo nên thấu hiểu sự vất vả của những người gặp khó khăn. Lớn lên, anh đi bộ đội, rồi vào Nam lập nghiệp. Cưới nhau năm 1979, đến năm 1987, dành dụm tiền bạc, hai vợ chồng mở cơ sở in”.
Cơ duyên gắn kết vợ chồng doanh nhân này với người khuyết tật trong một lần tình cờ dự triển lãm hàng tiêu dùng tại Nhà Văn hóa Lao động. “Khi ấy, tôi thấy một người khuyết tật đi khắp các gian hàng xin một chân phụ việc nhưng đến đâu cũng bị lắc đầu. Sau lần đó, tôi đã mất ăn mất ngủ và hứa khi công ty phát triển, sẽ nhận người khuyết tật vào làm việc”. Với quyết tâm gầy dựng, năm 2000, cơ sở Ngọc Phước chuyển thành Công ty TNHH Ngọc Phước và đến năm 2003 chuyển sang công ty cổ phần.
Ông Phước tâm sự: “Vợ chồng tôi cực khổ nhiều mới có ngày hôm nay và lúc nào cũng mở rộng tấm lòng với người bất hạnh. Chúng tôi luôn bảo nhau: Phải cố gắng, thật nhỏ nhẹ, hòa nhã trong từng lời ăn tiếng nói đến cách cư xử”. Sự cố gắng của vợ chồng ông đã biến Công ty Ngọc Phước trở thành mái nhà của nhiều người bất hạnh. Từ một vài lao động ban đầu, hiện Công ty Ngọc Phước sử dụng 120 lao động, trong đó có 47 người khuyết tật.
Dự án dành cho người khuyết tật
Hơn 40 lao động là người khuyết tật của Công ty Ngọc Phước đang làm việc ở các bộ phận may, in lụa, thêu kiểm tra chất lượng, chụp bản phim… với thu nhập từ 1- 2.5 triệu đồng/tháng. Tại xưởng sản xuất, ông bà chủ công ty xây dựng 1 khu nhà nội trú với tổng diện tích 500 m2 gồm 1 trệt, 2 lầu dành cho người khuyết tật sinh sống. Ngoài ra, còn có phòng ăn, phòng đọc sách và một vườn lan giúp họ thư giãn sau giờ làm việc. Anh Bùi Thành Công, khuyết tật chân, gắn bó với công việc chụp bản phim tại công ty gần 3 năm qua, cho biết: “Tại đây, người bình thường và người khuyết tật sống với nhau rất hòa đồng. Môi trường làm việc thân thiện giúp chúng tôi có thêm niềm vui, động lực phấn đấu”.
Không dừng lại với 47 người khuyết tật, vợ chồng doanh nhân này đang triển khai dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề trên diện tích 4.000 m2, với nhiều ngành nghề phù hợp với các học viên là người khuyết tật. Dự kiến Trung tâm này sẽ hoạt động vào tháng 12 tới, thu nhận hơn 500 học viên. Bà Ngọc nói: “Tôi muốn góp phần chia sẻ khó khăn với người khuyết tật, giúp họ có công ăn việc làm ổn định. Đó là chút đóng góp, trách nhiệm của chúng tôi đối với cộng đồng, xã hội”.
Bài và ảnh: Huỳnh Nga
Đăng trên báo Người Lao Động